Chị Nguyễn Thị Thanh Hạnh (công nhân
Công ty TNHH MTV Đô thị và môi trường Đắk Lắk) gắn bó với nghề
dọn dẹp vệ sinh nhiều năm nay cho biết, những ngày bình thường chị làm 2
ca/ngày theo giờ hành chính, nhưng khi lễ hội diễn ra thì công việc
nhiều hơn, công ty tổ chức tăng ca nên công việc của chị cũng thay đổi
theo. Theo đó, các công nhân phải thay phiên nhau trực theo từng ca: 3
giờ - 9 giờ, 9 giờ - 17 giờ, 17 giờ - 23 giờ. Lĩnh vực chị được giao là
dọn dẹp vệ sinh khu vực tổ chức Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê.
Hội chợ năm nay thu hút lượng khách lớn tham quan, đặc biệt là vào buổi
tối, lượng rác thải sau mỗi ngày rất lớn nên việc dọn dẹp vệ sinh ca 3
giờ - 9 giờ hằng ngày rất vất vả. Nhiều hôm, chị phải dậy từ 2 giờ sáng để
chuẩn bị quần áo, vật dụng, nước uống và ăn mỳ gói hoặc cơm nguội lót
dạ mới có đủ sức để dọn dẹp. Hiện tại, đơn vị mới chỉ thu gom xong rác
thải, cát, xà bần tại khu vực Biệt điện Bảo Đại, giờ đang chuẩn bị vật
dụng để trồng lại cỏ, phục hồi cây trong khuôn viên. Tương tự, chị Lê
Thị Huệ, đường Nguyễn Trường Tộ, TP. Buôn Ma Thuột đồng nghiệp của chị
Hạnh cho biết, gia đình neo người, con chị mới 20 tháng tuổi, lại ở xa
nơi làm việc, những ngày diễn ra lễ hội công việc tăng lên gấp bội, lịch
làm việc thay đổi khiến cuộc sống sinh hoạt của gia đình bị xáo trộn.
Bình thường sau những giờ tan ca chị thường đón con ở trường mẫu giáo
gần nhà, dẫn con đi chơi, tận tay nấu cháo, tắm rửa cho con, nhưng khi
công việc tăng lên thì chị không có đủ thời gian dành cho con bởi khi
chị đi làm (ca sáng) thì con ngủ chưa dậy, khi về thì con lại đi học rồi
nên hai mẹ con có rất ít thời gian dành cho nhau. Nhưng được sự giúp đỡ
và động viên của chồng nên việc đưa đón, chăm sóc con những ngày lễ hội
đều được chồng chị làm thay.
 |
Công nhân Công ty
TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk tập kết rác thải lên xe tại khu
Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2017. |
Lễ hội năm nay thu hút đông đảo khách du
lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư trên thế giới tham
gia, tìm kiếm đối tác hợp tác làm ăn. Vì vậy, ngay khi nhận được kế
hoạch tổ chức các sự kiện tại khu vực mình trực tiếp quản lý, Công ty
TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đã xây dựng các phương án thực
hiện phù hợp. Cụ thể, giao Xí nghiệp vệ sinh môi trường chịu trách nhiệm
quét dọn, thu gom, vận chuyển rác thải, xà bần, nhặt túi ni lông trên
các khu đất trống, các tuyến đường, phun chế phẩm xử lý mùi hôi tại các
điểm đặt thùng rác; Xí nghiệp Điện chiếu sáng tăng cường công tác kiểm
tra điện chiếu sáng nơi công cộng, củng cố, sửa chữa và bổ sung đèn
trang trí trên các tuyến đường, khu phố cà phê; Xí nghiệp Lâm viên cảnh
tăng cường công tác chăm sóc cây xanh, trồng dặm, trồng thay thế kịp
thời các bồn hoa, cây cảnh bị chết, vận chuyển, trang trí một số cây cà
phê dọc hai bên đường Lê Duẩn, Quảng trường 10-3; Xí nghiệp Xây dựng
Công trình và dịch vụ tập trung sửa chữa các điểm hư hỏng, sụt lún trên
các tuyến đường, xóa các điểm quảng cáo, rao vặt trái phép trên địa bàn
thành phố…
Lễ hội là dịp để trải nghiệm, gắn bó,
hợp tác và phát triển, người dân và du khách đến với lễ hội ngày càng
gia tăng, kéo theo sức ép về rác thải, nhưng tại các địa điểm tổ chức
các sự kiện không còn tình trạng nhếch nhác như trước bởi người dân, du
khách đã ý thức hơn đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Ông Lê Đình
Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường cho biết, Công
ty đã bố trí thêm thùng rác, nhà vệ sinh di động, tổ chức tăng ca để
tránh tình trạng tồn đọng rác thải tại các khu vực diễn ra các sự kiện,
và đáng mừng là đã nhận được sự hợp tác tích cực của du khách và người
dân.
Thanh Hường (Theo Báo Đắk Lắk)