TIN HOẠT ĐỘNG
Nan giải chuyện thu phí vệ sinh môi trường
Tâm lý ai cũng muốn sạch nhà, sạch ngõ, ấy vậy nhưng nộp khoản phí để có được cái sạch này thì không phải ai cũng… sẵn sàng. Bởi trên thực tế thời gian qua, tình trạng không ít tổ chức và cá nhân chây lỳ, trốn tránh trách nhiệm đóng phí vệ sinh môi trường khiến công tác thu phí của các đơn vị thu gom, xử lý rác thải gặp nhiều trở ngại.

Thất thu lớn

Những năm qua, các đơn vị chuyên thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã góp phần bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp. Hiện nay, hoạt động này không còn bó hẹp trong phạm vi khu vực nội thành mà đã mở rộng địa bàn ra tất cả các xã vùng ven thành phố và được 2 đơn vị đảm trách là Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Đô thị và Môi trường Dak Lak (Công ty Đô thị và Môi trường) và Công ty TNHH Môi trường Đông Phương (Công ty Đông Phương). Cụ thể, Công ty Đông Phương chịu trách nhiệm thu gom rác thải tại 9 phường, xã gồm: phường Tân Lập, Tân An, Tân Tiến, Tân Hòa, 1/2 địa bàn của phường Tân Lợi, 1/6 phường Thống Nhất và xã: Ea Tu, Hòa Thuận, Hòa Thắng; các xã, phường còn lại do Công ty Đô thị và Môi trường quản lý. Theo đó, mỗi ngày có khoảng 200 tấn rác thải được hai đơn vị này thu gom và vận chuyển xử lý. Việc mở rộng địa bàn thu gom rác thải đã góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, xóa bỏ các bãi rác tự phát ở nhiều khu vực, nhất là các vùng ven thành phố.

Thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ dân trên tuyến đường Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột).
Thu gom rác thải sinh hoạt từ các hộ dân trên tuyến đường Nguyễn Viết Xuân (TP. Buôn Ma Thuột).

Theo quy định, mức phí thu tại các hộ dân ở các phường là 22.000 đồng/tháng, xã là 15.000 đồng/tháng. Mặc dù công nhân môi trường không kể ngày đêm, mưa gió để đi thu gom rác thải nhưng đến kỳ thu phí vệ sinh thì một số tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh ở các địa bàn lại chây lỳ, trốn tránh không nộp tiền, điều đó đã dẫn đến việc thất thu của các công ty. Theo số liệu của Công ty Đô thị và Môi trường và Công ty Đông Phương, tỷ lệ thất thoát từ việc thu phí vệ sinh ở các phường hiện chiếm gần 30%, các xã là gần 50%. Cụ thể, qua khảo sát mới nhất tại phường Thắng Lợi cho thấy, toàn phường có 2.047 hộ dân nhưng chỉ có 1.435 hộ tham gia ký kết hợp đồng thu gom rác thải; 860 cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, nhỏ nhưng chỉ có 275 đơn vị đăng ký hợp đồng thu gom. Theo đó, mỗi năm công ty môi trường thất thu phí vệ sinh từ phường này chiếm khá cao (khoảng 30%). Hay như địa bàn xã Hòa Thuận được Công ty Đông Phương thực hiện thu gom rác thải hầu hết trên 100% các tuyến đường thôn, buôn, tuy nhiên số hộ dân tham gia đóng phí chỉ chiếm khoảng 52%; phường Thắng Lợi, mặc dù là khu vực trung tâm thành phố nhưng việc thu phí vệ sinh ở đây cũng chỉ đạt 70%... Ông Nguyễn Nam Trung, Phó Giám đốc Công ty Đông Phương cho biết: “Hằng năm, tỷ lệ thất thoát từ tiền phí vệ sinh chiếm khá cao nên chúng tôi gần như thu không đủ chi. Tuy nhiên, do trách nhiệm của Công ty là không được để rác thải tồn đọng, gây ô nhiễm nên bắt buộc chúng tôi phải thu gom hết”.

Muôn kiểu trốn phí

Trước đây, khi Công ty Đô thị và Môi trường đến đề nghị làm hợp đồng thu gom rác, gia đình bà Trần Thị G. (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) đã không thực hiện ký kết, với lý do gia đình có nhiều đất vườn nên sẽ tự xử lý rác thải bằng cách chôn lấp, đốt trong vườn và không đổ rác ra đường. Tuy nhiên, gần đây đất vườn bán hết, rác thải thì nhiều, hằng ngày bà G. vẫn vô tư đổ rác ra đường để công nhân môi trường đến thu gom, vận chuyển và đưa đi xử lý. Thấy hộ bà G. không đóng phí vẫn được thu gom rác, nhiều hộ dân xung quanh cũng bắt chước và chây lỳ không đóng phí khiến tỷ lệ thu phí vệ sinh trong khu vực ngày càng giảm trong khi lượng rác lại càng tăng. Bên cạnh đó, một số hộ dân ở các đường hẻm nhỏ, do xe thu gom rác không thể vào tận nơi nên hầu hết các hộ dân đều không thực hiện việc đóng phí vệ sinh, trong khi đó, hằng ngày họ vẫn tập kết rác ở khu vực đầu hẻm để rác được thu gom.

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Đô thị và Môi trường Dak Lak làm vệ sinh môi trường trên đường Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Ma Thuột.   Ảnh: Thúy Hồng
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Đô thị và Môi trường Dak Lak làm vệ sinh môi trường trên đường Nguyễn Tất Thành, TP. Buôn Ma Thuột. 

Đối với các cơ sở kinh doanh như quán ăn T. (phường Thắng Lợi), theo quy định phải đóng mức phí hộ kinh doanh (50.000 đồng/tháng) nhưng viện dẫn lý do lượng rác thải từ việc kinh doanh không nhiều nên hằng tháng quán ăn này chỉ đóng phí theo mức phí của hộ gia đình (22.000 đồng/tháng). Đặc biệt, đối với các hộ kinh doanh phòng trọ, nhà nghỉ, việc kê khai để nộp phí luôn được chủ kinh doanh trốn tránh hoặc không kê khai số lượng phòng theo thực tế trong khi vẫn thu tiền phí vệ sinh của những người thuê phòng. Bên cạnh đó vẫn có không ít trường hợp phát sinh như những hộ gia đình mới xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh bắt đầu đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các công ty môi trường không nắm bắt, quản lý kịp thời dẫn đến việc rác thải vẫn được thu gom còn tiền phí thì chưa thu được. Thêm nữa, hiện nay, các công ty môi trường đặt khá nhiều thùng rác tại khu vực công cộng như các tuyến đường, chợ, điểm dừng xe buýt, trường học… để khách vãng lai bỏ rác, lợi dụng điều này, một số cơ sở, hộ dân không ký hợp đồng thu gom rác đã lén mang rác đến bỏ để trốn nộp phí. Theo chị Đỗ Thị Thanh Thủy, Tổ tưởng Tổ thu phí vệ sinh Công ty Đô thị và Môi trường, không chỉ các trường hợp trên mà hiện nay có một vài tổ chức, đơn vị kinh doanh khi mới thành lập đến ký cam kết thu gom và xử lý chất thải, nhưng trên thực tế chỉ để “lách luật” bởi sau khi ký hợp đồng họ không liên hệ với đơn vị để thu gom xử lý rác thải và cũng không thực hiện việc đóng lệ phí theo quy định.

Khối lượng công việc lớn, địa bàn rộng, tuy nhiên, lực lượng thu phí mỏng nên dẫn đến khó kiểm soát. Đơn cử như Tổ thu phí vệ sinh của Công ty Đô thị và Môi trường có 13 thành viên, trong đó chỉ có 11 nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ đi thu, tính ra trung bình một người đảm nhận thu phí của gần 2.000 hộ dân và đơn vị. Không phải đến một, hai lần mà nhiều lúc nhân viên phải đi lại năm lần, bảy lượt mới thu được tiền từ các hộ chây lỳ. Cũng có nhiều trường hợp, khi nhân viên đến thu tiền thì bị chủ nhà ra chửi mắng, thậm chí còn bị đuổi đánh. Chị Nguyễn Thị Hương, một nhân viên thu phí vệ sinh chia sẻ: “Nhiều người cứ tưởng công việc của người đi thu phí rác thải dễ dàng, thuận tiện như những người thu tiền điện, nước, nhưng trên thực tế lại rất vất vả. Mỗi tháng chỉ đóng 15.000 đồng đến 22.000 đồng, tính ra mỗi ngày họ chỉ phải chi khoảng 700 đồng để nhân viên đến thu gom rác thải mà vẫn viện đủ lý do để tránh né.

Cần chế tài xử lý nghiêm

Để thu phí vệ sinh của khách hàng, hiện nay các đơn vị đều tổ chức cho nhân viên công ty đến thu từng nhà hoặc ký kết với ban quản lý các thôn, buôn, tổ dân phố và phía công ty sẽ trích hoa hồng cho người đi thu. Tuy nhiên, do nhiều hộ dân còn thiếu ý thức nên việc thu phí hiện gặp rất nhiều khó khăn. Mới đây, phí vệ sinh trên địa bàn tỉnh nói chung, thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng đã được áp dụng theo mức giá mới (từ ngày 1-10-2014). Cụ thể: hộ gia đình 25.000 đồng/hộ (ở các phường) và 20.000 đồng/tháng (xã); các hộ kinh doanh, buôn bán, trường học, trụ sở làm việc, khu liên cơ quan (tùy theo hình thức): 50.000 đồng - 500.000 đồng; doanh nghiệp, cửa hàng, khách sạn, nhà hàng kinh doanh ăn uống: 250.000 đồng – 1.400.000 đồng; công trình xây dựng: 280.000 đồng – 700.000 đồng; nhà máy, bệnh viện, cơ sở y tế (trừ rác thải y tế), cơ sở sản xuất, siêu thị, chợ, nhà ga, bến xe: 90.000 đồng – 1.300.000 đồng. Với mức phí mới này, việc thu phí sẽ càng khó hơn. Do đó, hiện tại phía Công ty Đô thị và Môi trường vẫn đang phải thu theo mức giá cũ.

Thực tế, nếu người sử dụng điện, nước không đóng sẽ bị cúp điện hoặc cắt nước nên buộc họ phải nộp tiền, còn không đóng tiền thu gom rác cũng chưa có chế tài nào để xử phạt. Thêm nữa, một nguyên nhân dẫn đến thực trạng này còn là do sự thiếu quan tâm sâu sát, chưa vào cuộc tích cực của chính quyền cơ sở. Bởi cùng mức phí như nhau, vẫn có xã, phường thực hiện tốt công tác vận động tuyên truyền, được người dân đồng tình và tự giác nộp phí. Tiêu biểu như xã Hòa Xuân, với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng bà con rất có ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường. Toàn xã hiện có 6 thôn, buôn tham gia ký kết hợp đồng thu gom rác thải với công ty môi trường và hầu hết các hộ dân nơi đây đều thực hiện nghiêm việc đóng phí cho công ty thu gom. Ông Lê Đình Trung, Phó Giám đốc Công ty Đô thị và Môi trường bày tỏ: “Để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc nộp phí vệ sinh, do không có chế tài xử phạt nên chúng tôi phải tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để mọi người tham gia nộp phí đầy đủ. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp chính quyền, địa phương quan tâm, hỗ trợ và có chế tài xử phạt thích đáng các trường hợp chây lỳ, trốn tránh để việc thu phí đạt kết quả cao hơn”.

Thúy Hồng (Theo Báo Đắk Lắk)

Thành phố Buôn Ma Thuột
27oC
Độ ẩm: 76%C
Tốc độ gió: 10 km/hkm/h
v
Công ty Cổ Phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 05003.816886 - 05003.856522 . Fax : 05003.816886 - 05003.856522
Email : vipsmubmt@dng.vnn.vn
Công ty cổ phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 0262.3816886 - Fax: 0262.3816886
Email : dakurenco@moitruongdothidaklak.com.vn
Hotline1: 0849.890.333
Hotline 2: 0845.814.333
Hot line 3: 0847.401.222
Trung tâm Công nghệ & Dịch vụ Nội dung - VNPT Đắk Lắk