TIN TỨC
Xây dựng nông thôn mới: Hiệu quả từ việc thay đổi tư duy, đổi mới cách làm
Từ những khó khăn, vướng mắc ban đầu khi thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), hiện nay, nhiều địa phương đã tự rút ra những bài học kinh nghiệm để tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ và nhân dân, phát huy tính năng động, sáng tạo, có sự thay đổi lớn về tư duy và cách làm nhằm thực hiện thắng lợi xây dựng NTM.

Khó khăn thách thức

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Khi áp dụng thực hiện chương trình này trong thực tiễn tại nhiều địa phương, đã nảy sinh không ít những khó khăn, thách thức bởi tư duy và cách làm cũ. Đó là việc bám theo 19 tiêu chí một cách cứng nhắc, công thức hóa vào cuộc sống. Điều này không đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng NTM cũng như không nhận được sự hưởng ứng của người dân. Vì vậy, đã có không ít địa phương đặt các tiêu chí xây dựng NTM làm mục tiêu để thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch của mình. Kết quả là việc làm trên không những không hiệu quả, các tiêu chí đạt tỷ lệ khá thấp mà còn thiếu bền vững, có những tiêu chí năm trước đạt nhưng năm sau lại bị “rớt hạng”.

Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại là cách làm hay, hiệu quả bền vững để xây dựng NTM tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại là cách làm hay, hiệu quả bền vững để xây dựng NTM tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, một trong những tiêu chí đạt thấp và khó thực hiện nhất trong tiến trình xây dựng NTM của các địa phương là tiêu chí môi trường. Tiêu chí này bao gồm các nội dung cơ bản như: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định… Mặc dù những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các huyện, thị, xã nhưng nhiều công trình cấp nước công cộng hiện đã bị xuống cấp, hư hỏng, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Bên cạnh những thành công mà các xã đạt được vẫn có nhiều tiêu chí như văn hóa, điện, hộ nghèo, an ninh trật tự… thì việc triển khai xây dựng còn khá chậm và bộc lộ những bất cập cần được sự chỉ đạo, tháo gỡ quyết liệt của các cấp, các ngành từng địa phương. Một trong những nguyên nhân của việc thực hiện chậm trễ là do các xã có xuất phát điểm thấp, từ cơ sở hạ tầng đến những công trình phúc lợi, dân sinh; muốn thực hiện đều phải có hỗ trợ đầu tư từ nguồn trung ương, tỉnh, còn vốn từ ngân sách địa phương rất ít. Trong khi “cái khó bó cái khôn”, do điều kiện sống của cộng đồng dân cư ở nơi không tập trung, gần như xã nào cũng có thôn, buôn người dân tộc thiểu số, sinh sống rải rác, trình độ dân trí còn thấp và chưa đồng đều. Mặt trái của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa là những hủ tục và sự lãng phí trong tiêu dùng đang gây mất cân bằng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người dân, khó khăn trong quá trình dân vận và tính cộng đồng văn hóa làng xã. Khó khăn chung nữa mà hầu hết các xã nông thôn đều gặp là vấn đề quy hoạch và quản lý nghĩa trang chưa đồng bộ; thiếu hệ thống thoát nước thải, xử lý rác thải ở các thôn, bản; tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai, tệ nạn và tội phạm ở nông thôn vẫn là các vấn đề phức tạp chưa thể giải quyết một sớm, một chiều. Anh Vũ Anh Tuấn, Cán bộ văn phòng kiêm thành viên xây dựng NTM xã Dliê Ya, huyện Krông Năng cho biết: Dliê Ya là xã còn nhiều khó khăn của huyện, số hộ nghèo hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao (381 hộ, chiếm 10,54%), trong khi số lượng người dân di cư đến và đi trên địa bàn mỗi năm còn khá phức tạp và khó quản lý. Mặc dù đến nay xã đã đạt 4/19 tiêu chí về NTM nhưng xem chừng vẫn chưa vững chắc, có những tiêu chí như an ninh chính trị- trật tự xã hội, văn hóa, môi trường năm trước đạt nhưng đến năm sau lại không đạt. Chưa kể, do địa hình tại một số địa phương còn khá phức tạp, hệ thống đường nội thôn, buôn và liên xã còn phần lớn đều là đường đất, “nắng bụi mưa lầy”, để triển khai việc mở rộng, nâng cấp còn gặp nhiều trở ngại. Từ những khó khăn đó đã kéo theo việc phát động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, quy hoạch và thực hiện quy hoạch… còn nhiều bất cập.

Và những cách làm hay

Mục tiêu của 19 tiêu chí là mốc để điều chỉnh các bước đi phù hợp trong quá trình xây dựng NTM, chứ không phải là mục tiêu chính của chương trình này. Nó đã được chỉ rõ trong Nghị quyết số 26 của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn, nông dân: Mục tiêu chính là con người, xã hội, đời sống của người dân ở nông thôn, giải quyết vấn đề về khoảng cách giữa nông thôn và đô thị để đưa nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng cả nước phát triển. Vì thế, từ những khó khăn, thách thức và cách làm chưa đạt trong quá trình thực hiện 2 năm qua, hiện nay, nhiều địa phương đã tự rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để làm tốt hơn, hình thành nên những điểm sáng trong công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Chương trình nông thôn mới chỉ thực sự thành công, có ý nghĩa khi nó đi vào từng cộng đồng, thôn xóm, dòng họ, hay từng gia đình và mỗi người nông dân. Suy cho cùng thì NTM chính là sự thay đổi trong tư duy của mỗi người dân. Họ làm chủ cuộc sống hiện đại, tham gia vào quá trình phát triển của toàn xã hội với nếp sống mới, sức sản xuất nông nghiệp mới, với văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Ông Võ Huy Khôi, Phó chủ tịch UBND xã Ea Ô, huyện Ea Kar chi sẻ: cách làm của xã Ea Ô là xây dựng NTM bắt đầu từ các hộ gia đình cho đến thôn xóm, mới đến xã, chứ không phải làm từ trung tâm xã về gia đình; phải làm từ ngoài đồng về nhà. Theo đó, chính quyền xã đã thường xuyên tổ chức phát động nhân dân chung tay xây dựng NTM, thành lập các đoàn về tận các thôn buôn để lắng nghe dân, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong nhân dân. Từ năm 2012 đến nay, bà con trong xã đã tự nguyện hiến 150.000m2 đất nhà ở, hàng chục ha đất nông nghiệp có cây trồng lâu năm và nhiều diện tích đất, vật kiến trúc khác với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng. Qua đó đã sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình cầu Ea Rớt, đường vành đai Ea Ô - Cư Elang, trạm y tế xã và nhiều km đường nội thôn, buôn được nhưa, cứng hoá… Bên cạnh đó, công tác xóa đỏi giảm nghèo cũng được xã Ea Ô đặc biệt quan tâm với chủ trương “Xóa nghèo bền vững”, nhờ biết kết hợp hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia khác như chương trình 167- CP, chương trình hỗ trợ tiền điện, học phí, vay vốn phát triển sản xuất… lồng ghép thực hiện tiêu chí xây dựng NTM nhằm giúp người dân thoát nghèo, cuộc sống ổn định. Hiện toàn xã đã hoàn thành 8/19 tiêu chí về xây dựng NTM, chưa kể 3 tiêu chí gần đạt khác như quy hoạch và thực hiện quy hoạch; thủy lợi; văn hóa.

Xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột là một trong những xã điểm của tỉnh và thành phố về xây dựng NTM. Song song với việc tổ chức lập quy hoạch xây dựng NTM, kêu gọi và huy động nguồn vốn xây dựng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nông thôn, xã Ea Kao còn chú trọng việc phát triển kinh tế gắn với tổ chức sản xuất chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng năm 2012, Hội Nông dân xã phối hợp với các trường dạy nghề, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức được 36 lớp tập huấn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vật nuôi đặc biệt là chương trình cà phê bền vững; phối hợp với Công ty Bảo vệ thực vật An Giang hình thành cánh đồng mẫu lúa nước với diện tích 10 ha, với năng suất lúa đạt 8- 9 tấn/ha. Ông Nguyễn Huy Bài, chủ tịch UBND, Phó ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã Ea Kao cho biết: “ Khác với cách nghĩ trước đây của nhiều địa phương là lấy các tiêu chí xây dựng NTM làm mục tiêu để chạy đua theo thành tích mà hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi lại nhận thấy đây là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Khéo léo kết hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với quần chúng nhân dân lập đề án quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, vận động nhân dân, chỉnh trang sửa chữa nhà ở, cổng ngõ, công trình giao thông thôn xóm…” Sau gần hai năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở Ea Kao giờ đây đã khởi sắc hoàn toàn: đường làng ngõ xóm 100% đã được cứng hóa sạch đẹp; trường học, trạm y tế, bưu điện, chợ nông thôn...  được tu sửa và xây dựng mới khang trang. Tính đến hết năm 2012, Ea Kao đã đạt 10/19 tiêu chí, năm 2013 sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành thêm 5 tiêu chí nữa.

Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc cần giải quyết thì mỗi địa phương đều đã thay đổi tư duy cũ, có những cách làm mới hay hơn để công tác xây dựng NTN đạt hiệu quả cao nhất. Theo nhận định của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, sắp tới sẽ tập trung ưu tiên cho chuyển đổi cây trồng vật nuôi, thay đổi tập quán canh tác của bà con. Đẩy nhanh tiến độ làm đất và thu hoạch, tức là đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp. Hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, thâm canh, các hợp tác xã và làng nghề thủ công, để người dân thấy rõ, làm NTM từ những việc nhỏ nhất, đó là quyền lợi và là trách nhiệm.

 Lê Thành (Theo Báo Đắk Lắk)

Thành phố Buôn Ma Thuột
29oC
Độ ẩm: 81%C
Tốc độ gió: 18 km/hkm/h
v
Công ty Cổ Phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 05003.816886 - 05003.856522 . Fax : 05003.816886 - 05003.856522
Email : vipsmubmt@dng.vnn.vn
Công ty cổ phần Đô thị & Môi trường Đắk Lắk
Địa chỉ : 01 Đào Duy Từ - P.Thống Nhất - TP.Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đắk Lắk
Điện thoại : 0262.3816886 - Fax: 0262.3816886
Email : dakurenco@moitruongdothidaklak.com.vn
Hotline1: 0849.890.333
Hotline 2: 0845.814.333
Hot line 3: 0847.401.222
Trung tâm Công nghệ & Dịch vụ Nội dung - VNPT Đắk Lắk